Trong kí ức của fan hâm mộ Manchester United, mùa giải 98/99 là mùa giải đặc biệt nhất với những bất ngờ và kịch tính. Hơn hết, là cú ăn ba vĩ đại với Sir Alex, biến mùa giải ấy thành mùa giải lịch sử của Quỷ Đỏ và của cả thành Manchester.
Những cái tên huyền thoại mà bất kì fan bóng đá nào cũng biết. Có những con người, họ đi vào ký ức, len lỏi vào tâm trí của từng người hâm mộ trái bóng tròn, dù họ chưa chắc là những người xuất sắc nhất lịch sử.
Nhưng đó là một thế hệ huyền thoại của Manchester United. Cùng tạo nên chiến tích khiến người hâm mộ của MU ắt hẳn sẽ còn rất tự hào khi nhắc về cú ăn ba năm 1999. Cú ăn ba “độc nhất vô nhị”, cú ăn ba huyền thoại trong lịch sử bóng đá Anh cũng như trong lịch sử Manchester United.
Mùa giải cay đắng của Manchester United
97 – 98 là một trong những mùa giải cay đắng nhất của Manchester United dưới kỷ nguyên Sir Alex Ferguson.
Mọi thứ tưởng chừng đã rất suôn sẻ khi vào tháng 3, Quỷ đỏ vẫn hơn đội xếp sau là Arsenal đến tận 11 điểm, trong khi mùa giải chỉ còn 9 trận.
Có lẽ kể cả Manucians bi quan nhất cũng không thể ngờ rằng tháng 3 năm ấy là sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng lực lượng tồi tệ bậc nhất lịch sử dưới thời Sir Alex.
Quỷ đỏ đã mất đến 9 trụ cột trong đội hình đá chính. Sir Alex đã phải sử dụng đội hình dự bị thường xuyên hơn với các chân sút: Ben Thornley, John Curtis và Michael Clegg…
Phải đá với lực lượng dự bị trong hơn 1 tháng khiến khoảng cách giữa Man Utd và Arsenal rút ngắn.
Trong đó trận thua đau đớn trước chính Pháo thủ là bước ngoặt dẫn đến việc Quỷ đỏ đánh rơi chức vô địch vào cuối mùa. Chức vô địch tưởng chừng Man Utd đã nắm chắc trong lòng bàn tay. Cũng trong tháng 3 đen tối ấy, Mu thất bại trước AS Monaco sau 2 lượt trận tại tứ kết Champions League.
Một mùa giải trắng tay của thầy trò HLV Ferguson. Với niềm an ủi duy nhất chỉ là danh hiệu siêu cúp nước Anh.
Nhưng dường như với Man Utd, cơn mưa vẫn chưa chịu dứt khi mùa giải 97-98 khép lại. Mùa hè năm ấy, Man Utd đón nhận một loạt khó khăn trong việc chuẩn bị cho mùa giải mới. Đội chủ sân Old Trafford nói lời chia tay với 2 trụ cột giàu kinh nghiệm Brian McClair và Gary Pallister.
Trong đó, Pallister là mất mát lớn nhất của Man Utd. Bởi thời điểm đó, trung vệ người Anh là viên gạch vững chắc nhất trong bức tường phòng ngự của Quỷ đỏ.
Chưa kể, thủ thành Peter Schmeichel, thủ quân của đoàn quân Alex Ferguson, tuyên bố sẽ rời Nhà hát của những giấc mơ sau khi mùa giải 98-99 khép lại.
Mọi thứ càng trở nên nghiêm trọng hơn sau kỳ World Cup 98. Tâm lý của các cầu thủ Anh của Man Utd cực kỳ bất ổn khi trở về sau thất bại ê chề trên đất Pháp.
Những mâu thuẫn nội bộ
Và điều tồi tệ nhất nằm ở mâu thuẫn giữa HLV Alex Ferguson và chủ tịch của Man Utd khi đó, Martin Edwards.
Trong bộ phim tài liệu “Bóng đá – Địa ngục đẫm máu”, Edwards tiết lộ chiến lược gia người Scotland đã mất tập trung trước khi mùa 98-99 khởi tranh.
Đó là lý do Chủ tịch của MU đã gửi một lá thư đến HLV Alex Ferguson vào ngày 7/7, nhằm triệu tập một cuộc họp tại London, khi Fergie đang đi nghỉ mát cùng gia đình ở Pháp.
Đáp trả lại chủ tịch đội bóng, nhà cầm quân sinh năm 41 viết trong cuốn tự truyện Quản lý đời tôi xuất bản năm 99:
Thực tế, mối bất hòa giữa HLV Alex Ferguson và chủ tịch Martin Edwards đã tồn tại trước đó rất lâu. Nguyên nhân chủ yếu đến từ mâu thuẫn trong việc mua sắm cầu thủ.
Trước năm 1998, vị chủ tịch người Anh chưa bao giờ bỏ ra một số tiền lên đến 8 con số cho một cầu thủ.
Trở lại với mùa hè 98, sau thời gian dài bị chiến lược gia người Scotland thúc giục, cuối cùng Edwards cũng chấp nhận mua hậu vệ người Hà Lan Jaap Stam với mức giá kỷ lục 10.75 triệu bảng. Cùng tiền vệ người Thụy Điển Jesper Blomqvist giá 4.4 triệu.
Nhưng với tiền đạo Dwight Yorke, người mà HLV Ferguson muốn mang về để đá cặp cùng Andy Cole, chủ tịch Edwards lại tỏ ra chần chừ.
Trong một cuộc điện thoại hỏi xem tình hình mua sắm thế nào của nhà cầm quân người Scotland, Edwards tuyên bố:
“Chúng tôi cảm thấy cậu ta không phù hợp”.
Alex Ferguson gằn giọng:
“Chúng tôi là những ai?”
Edward đáp:
“Các giám đốc và trợ lý của ông, Brian Kidd”.
Như động chạm đến lòng tự ái, HLV Ferguson hét lớn:
“Brian Kidd? Ở đây ai là quản lý?”
Đỉnh điểm là trong cuộc họp cấp cao sau đó tại London. chủ tịch Edward lại tránh né vấn đề chuyển nhượng và lái câu chuyện sang hướng cá nhân, cáo buộc nhà cầm quân sinh năm 41 thích làm người nổi tiếng và không tập trung vào công việc.
HLV người Scotland đã rất tức giận. Ông đứng dậy, cổ họng gằn lên từng tiếng như muốn ăn tươi nuốt sống vị chủ tịch người Anh.
“Vậy ông có muốn mọi thứ chấm dứt ngay bây giờ không?”
Bất ngờ khi chứng kiến Ferguson phiên bản máy sấy tóc, Edwards vội xuống nước. Và cuộc họp trở về với chủ đề mà Fergie muốn nghe: chiêu mộ Dwight Yorke.
Cuối cùng, ông già gân người Scotland chốt hạ:
Trước những lời đanh thép này, vị chủ tịch người Anh hiểu rằng Alex Ferguson mới là người quyền lực nhất trong căn phòng. Và thế là 12.6 triệu bảng được thông qua, Dwight Yorke trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử CLB tính đến thời điểm đó.
Edward tức điên bởi mùa hè 98, MU đã tiêu lẹm vào ngân sách chuyển nhượng của mùa tới. Còn HLV Alex Ferguson hài lòng với những gì ông có được trong kỳ chuyển nhượng hè. Và tự tin bước vào mùa giải mới, mùa giải vĩ đại nhất lịch sử Manchester United.
Xem thêm: Điểm danh các đội bóng từng có cú ăn ba.
Mùa giải bất ổn của Manchester United
Sau quá trình chuẩn bị không hoàn hảo, Man United bước vào mùa giải mới 1998-99 với tâm lý tương đối bất ổn.
Họ phải nhọc nhằn giữ lại một điểm trên sân nhà ở vòng đấu đầu tiên.
Đến vòng hai thì hòa 0-0 trên sân khách. Toàn đội bị chỉ trích. Còn riêng David Beckham trở thành tâm điểm bị các Manucians la ó mỗi khi chạm bóng. Không chỉ vì màn trình diễn chưa hiệu quả cho Man United thời điểm ấy, mà Beckham còn bị mắng vì việc… nhận thẻ đỏ ở World Cup 1998, góp phần khiến tuyển Anh bị Argentina loại ở vòng 1/8 World Cup hồi mùa Hè.
Bởi thế mà, Sir Alex Ferguson tức giận cấm cửa truyền thông vào thời điểm ấy. Toàn đội Man United được lệnh nắm tập trung chuyên môn, để hướng về tương lai tốt đẹp hơn.
Tương lai ấy, là trận thắng đầu tay trước Charlton với tỷ số 4-1 vào ngày 9/9.
Tương lai ấy, là khi Man United làm khách của Southampton vào ngày 3/10, để quyết phá dớp không thắng tại sân The Dell trong cả 3 lần gần nhất. Và họ đã làm được, với điểm nhấn là Andy Cole và Dwight Yorke đồng loạt nổ súng trong lần thứ hai đá cặp cùng nhau ở mùa giải này. Một cặp bài trùng, song sát trên hàng công Quỷ đỏ đã được khởi sinh.
Và tương lai ấy, còn là trận thắng sân khách đậm nhất trong lịch sử Premier League với tỷ số 8-1, nơi mà Man United đã trút cơn mưa bàn vào lưới Nottingham Forest. Mà trong đó, cầu thủ vào sân từ ghế dự bị Ole Gunnar Solskjaer thậm chí còn ghi đến 4 bàn trong vòng 12 phút.
Đấy dĩ nhiên chỉ là những điểm nhấn, cho quá trình tìm lại sự ổn định của Quỷ đỏ. Phong độ tốt ấy giúp United dù thua Arsenal 0-3 ở lượt đi và chỉ hòa Pháo thủ 1-1 ở lượt về trong thế bị dẫn bàn, vẫn có thể chễm chệ ở ngôi đầu bảng cho đến hết tháng 2.
Dẫu vậy, khi mùa giải đang trôi dần về đích, chỉ cú sút kỹ thuật của Beckham vào ngày 3/4 là không đủ để giúp Quỷ đỏ giành chiến thắng trước Wimbledon, mà chỉ có thể hòa 1-1. Để rồi, thêm một cú vấp cực kỳ tai hại khác trước Leeds United, cũng với tỷ số 1-1, đã khiến họ đánh mất ngôi đầu vào tay Arsenal khi kết thúc tháng Tư.
Tạm dừng hành trình ở Premier League tại đó để nói về những trận đấu cúp.