Từ lâu, sân chơi Ngoại Hạng Anh là nơi đưa rất nhiều tên tuổi của làng bóng đá thế giới, và Hàn Quốc lần lượt sản sinh ra Park Ji Sung (MU), Lee Young-Pyo (Tottenham),… và nổi bật nhất của thời đại này là Son Heung Min – Chiếc giày vàng bất công nhất Ngoại Hạng Anh.
Siêu sao Châu Á ở Ngoại Hạng Anh
Phút 72 ngày 17 tháng 12 năm 2020, Tottenham đang trước Arsenal 2-0. Một chiếc bảng điện tử thay người được đưa lên. Cầu thủ số 7 rời sân.
Là Son Heung Min. Son lầm lũi rời đi. Trông anh chàng có vẻ giận dỗi.
“Tất nhiên là tôi muốn tiếp tục thi đấu rồi, nhưng đó là yêu cầu của HLV thì biết làm sao giờ”.
Biết Son không hài lòng, Conte dành tặng cậu học trò cưng cái ôm an ủi sau trận đấu: “Tôi biết Son Heung-min muốn tiếp tục thi đấu nhưng tôi phải nghĩ về trận đấu này. Son đã hứa với tôi là vào chủ nhật tới, cậu ấy sẽ ghi bàn”.
Rốt cuộc, Son có ghi bàn ở trận đấu chủ nhật đó không. Câu trả lời là không.
Nhưng… vào cuối mùa giải năm đó, Son giành danh hiệu Vua phá lưới Ngoại Hạng Anh với 23 bàn thắng.
Hoàn toàn không có tình huống đá phạt đền nào. Son thậm chí còn được tờ Daily Mail khen ngợi là “nhân vật vị tha tầm cỡ thế giới”, là “một trong số ít những cầu thủ đẳng cấp thế giới không ích kỷ”.
Vâng, đó chỉ là lời mở đầu nho nhỏ trước khi đưa các bạn đến với show diễn đẳng cấp của một siêu sao, một cầu thủ người châu Á khiến cả Châu Âu phải rung chuyển.
Thành tích của Son Heung Min ở Ngoại Hạng Anh
17 bàn, 10 đường kiến tạo sau 37 trận – Đó là thống kê của Son Heung-min ở Ngoại Hạng Anh mùa 2020-21.
Mùa giải ấy được xem là bước ngoặt của cặp tiền đạo trụ cột Tottenham này, khi là lần đầu tiên mà họ cùng thể hiện sự toàn diện, trong cả khâu ghi bàn lẫn kiến tạo. Trong số đó, có rất nhiều lần họ kiến tạo cho nhau ghi bàn.
Hi vọng về một cặp bài trùng hoàng kim – như Misaki và Tsubasa trong bộ truyện tranh Nhật Bản, vì thế mà càng bừng lên với các CĐV Spurs.
Họ rất cần các ngôi sao tỏa sáng trong mùa giải mới, để giải cơn khát danh hiệu đã dài hơn một thập kỷ.
Thế nhưng, ngay từ mùa Hè 2021, cặp bài trùng đứng trước nguy cơ tan đàn xẻ nghé, khi Harry Kane trực tiếp đề xuất nguyện vọng ra đi với Chủ tịch Daniel Levy. Bến đỗ mong ước thì cả thiên hạ đều biết, là ĐKVĐ Man City.
Xem thêm: Man City năm nay có gì ở Ngoại Hạng Anh?
Đời không như mơ, Levy quyết không bán, Sheikh Mansour có tiền cũng chẳng mua được. Và thế là Jack Grealish sắm vai chính trong bộ phim “Kẻ đóng thế” ở Etihad; còn Kane, thì chịu cảnh “chim lồng cá chậu” tại Tottenham Stadium.
Vỡ kế hoạch ra đi, nên khi mùa giải mới bắt đầu, Kane không có cả tâm trạng lẫn phong độ tốt để cống hiến cho Gà trống. Nhất là khi, trận khai mạc giải, là với chính Man City.
Trong hoàn cảnh đó, Son Heung-min đã đứng lên để gánh vác hàng công của đội.
Trong ngày cạ cứng không góp mặt, chính tiền đạo người Hàn Quốc đã ghi bàn thắng duy nhất làm nên chiến thắng 1-0 tuyệt vời giúp Tottenham giữ trọn 3 điểm ở lại sân nhà.
Chưa hết, đó còn là màn trả thù ngọt ngào cho những giọt nước mắt mà Son đã rơi, khi Man City đánh bại Tottenham ở Chung kết Cúp Liên đoàn mùa trước đó.
Ngày hôm ấy, Son phát biểu như một người đại diện, một chủ công thay mặt Tottenham để cảm ơn người hâm mộ.
Để rồi cả giai đoạn đầu mùa cũng là như thế: Riêng ở Ngoại Hạng Anh, tính từ đầu mùa đến hết năm 2021, Son ghi đến 8 bàn và có 4 đường kiến tạo. Trong đó, tượng tự trận thắng Man City, anh cũng ghi bàn duy nhất trong trận thắng Watford 1-0; ghi bàn ấn định tỷ số 3-1 trước Arsenal; ấn định tỷ số 3-2 trước Newcastle; hay là gỡ hòa 2-2 chung cuộc trước Liverpool.
Trong khi đó, Harry Kane tịt ngòi tận 7 vòng đầu Ngoại Hạng Anh mùa giải trước. Đến vòng 8 anh mới mở được tài khoản và đến hết năm 2021, cũng mới ghi được 4, kiến tạo 1 bàn ở đấu trường này.
Bởi vậy mà có thể nói ở giai đoạn đầu mùa, khi mà Kane vẫn chưa trở lại là chính mình, thì chính Son đã là người gồng gánh Tottenham qua những khúc cua quan trọng.
Son Heung Min – Tay săn bàn hàng đầu của Tottenham
Sự xuất hiện của Antonio Conte ảnh hưởng rất lớn đến sự bùng nổ của Son Heung-min khi chiến lược gia người Ý xây dựng một đội hình không còn phụ thuộc hoàn toàn vào Kane. Đó là đội hình 3-4-3 sở trường. Việc đem Kuluvsevski về từ TTCN mùa đông là bước ngoặt cho điều này.
Tottenham có nhiệm vụ cụ thể là phải chiến đấu vì tấm vé dự Champions League. Nhưng ba trận thua của họ trước Southampton, Wolves và Burnley khiến họ có nguy cơ bị bỏ lại. Cho tới ngày 23/2/2022, Son mới chỉ có 9 bàn tại Ngoại Hạng Anh, trong khi Salah có đến 19 bàn. Gần như chẳng có cơ hội nào để anh bứt phá.
Nhưng đó cũng là khoảnh khắc mà Son bắt đầu cho thấy khả năng săn bàn của mình. Salah sau khi trở về từ châu Phi đã liên tục tịt ngòi. còn Son thì ghi bàn liên tục trong quá trình đó, đặc biệt là hattrick vào lưới Aston Villa vào ngày 9/4.
Ngoài ra, Son cũng cho thấy khả năng dứt điểm tuyệt vời bằng trận không thuận trong quá trình đó. Anh cán mốc 10 bàn bằng chân trái bằng cú đúp vào lưới Leicester ở ngày 1 tháng 5, đưa anh thành cầu thủ ghi bàn bằng chân không thuận nhiều thứ hai tại Ngoại Hạng Anh, chỉ sau đồng đội Harry Kane.
“Tôi trao cho Son cái ôm thật chặt vì sau một bàn thắng tuyệt đẹp, tôi tự hỏi cậu ấy thuận chân trái hay phải. Chúng ta đang nói về một cầu thủ xuất sắc có tài năng đặc biệt“.
Dưới thời đại HLV Nuno Espirito Santo, Song có một mùa giải thất thường với 4 trận liên tiếp mờ nhạt. Từ khi Conte đến, nó không bao giờ diễn ra nữa.
Khi bạn nhìn vào những đội bóng lớn mà Son đã ghi bàn vào lưới họ trong mùa giải này. Rõ ràng anh là một cầu thủ tuyệt vời của những trận cầu lớn chứ không phải một tay farm gà chính hiệu.
Trước vòng đấu cuối cùng. Son có 21 bàn và Mohamed Salah có 22 bàn. Anh ghi một cú đúp vào lưới Norwich để chốt mùa giải với 23 bàn thắng và 7 kiến tạo. Đặc biệt, là không có bàn thắng nào phải ghi từ chấm penalty, trong khi Salah có tận 5 bàn thắng từ chấm 11m.
Son Heung-min còn trở nên đặc biệt khi sở hữu số bàn thắng bằng chân không thuận còn nhiều hơn số bàn thắng bằng chân thuận. Trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên đạt danh hiệu giày vàng tại Ngoại Hạng Anh.
Trung bình, Son có 0.66 bàn mỗi trận, đạt 57% tỷ lệ chính xác trong những cú sút của mình. Đây là thành tích tốt nhất trong top 10 tay săn bàn của Ngoại Hạng Anh, chỉ kém Jamie Vardy nhưng cầu thủ người Anh cũng chỉ có 15 bàn trong cả mùa giải.
Son Heung Min – Bảo vật của Hàn Quốc
Nếu dùng một từ để cảm thán về mùa giải này của Son Heung-min thì đó là: Một sự toàn diện đến phi thường.
Ai có thể tin được một cầu thủ đến từ Á châu có thể trở thành chân sút chủ lực của một đội bóng Ngoại hạng Anh?
Có lẽ chỉ trong mơ, người ta mới thấy một cầu thủ da vàng đến từ bên kia bán cầu có thể ghi tận 23 bàn thắng trong một mùa giải, tại đấu trường khắc nghiệt bậc nhất thế giới. Nhưng, Son đã phá vỡ định kiến về cầu thủ châu Á ở Ngoại hạng Anh, điều chưa một ai từng làm được. Trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên trong lịch sử có được danh hiệu chiếc giày vàng Ngoại Hạng Anh.
“Son Heung-min là ngôi sao thể thao lớn nhất Hàn Quốc”. Đó là cách phóng viên Lee Sung-mo gọi tiền đạo của Tottenham trong một bài viết trên tờ Goal.
Hơn cả thế, HLV Park Hang-seo từng khẳng định sau ngày tiền đạo 29 tuổi có được danh hiệu Vua phá lưới rằng:
“Son là bảo vật của Hàn Quốc. Cậu ấy có thể phát triển thành một cầu thủ đẳng cấp thế giới. Một điều thật tuyệt vời”.
Còn tổng thống đương nhiệm của xứ sở kim chi, ông Yoon Seok-youl đã gọi sự kiện Son Heung-min đoạt chiếc giày Ngoại Hạng Anh là dịp toàn thể cộng đồng châu Á mở hội.
Để rồi chính tay người quyền lực nhất Hàn Quốc đã thay mặt toàn bộ người dân trao tặng Huân chương Rồng xanh, giải thưởng cao quý nhất về thể thao tại xứ sở kim chi cho Son Heung-min.
Ngày Son trở về Hàn Quốc, trên tay cầm danh hiệu Chiếc giày vàng danh giá. Chào đón anh là hàng dài người hâm mộ đứng chật kín sân bay Incheon.
Cả đất nước nói về Son. Những đứa nhóc gọi anh là Sonny đầy thân thuộc. Còn những người lớn xem anh là báu vật sống của Quốc gia.
Số phận cầu thủ Châu Á ở Ngoại Hạng Anh
Thế nên, khi không có gì để chê nữa, con người ta sẽ chọn đến chủng tộc để khích bác.
Mùa giải phi thường đó của Son Heung Min vừa được gọi là kỳ tích, lại cũng vừa được định nghĩa bằng hai chữ bất công. Một chàng trai châu Á. Mắt một mí. Gương mặt trắng trẻo. Tóc tai cầu kỳ. Áo quần thời thượng. Nụ cười tươi rói. Đặc biệt đôi mắt anh ta luôn sẵn nước mắt để chực trào.
Son Heung Min có đủ mọi yếu tố mà một người Châu Âu vẫn định kiến về những anh chàng tóc đen da vàng đến từ Hàn Quốc.
Park Ji Sung bao năm ở MU, lập được vô số chiến công, mang về biết bao nhiêu danh hiệu. Nhưng vài năm sau khi đã giải nghệ, Park vẫn tức cái bụng mà lên tiếng mắng các fan MU, những người đã hát bài ca thịt chó. Một bài hát vốn để dành cho Park nhưng phần lời chẳng khác nào xúc phạm trực tiếp vào người Hàn. Park nói, anh cần phải lên tiếng.
Thế nên cái cách người ta cười cợt gọi ngôi sao số 7 của Tottenham là Son’s crying, suy cho cùng chưa bao giờ là điều tốt đẹp.
Sau khi Son giành được danh hiệu Vua phá lưới không lâu, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp bóng đá Anh FPA công bố danh sách 6 cái tên xuất sắc nhất mùa. Son không nằm trong số đó. các lá phiếu của 92 câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp ở Anh không hề có tên Song. Câu trả lời chỉ có một. Son không được lòng người Anh.
Người ta có thể giải thích rằng do thời gian bầu chọn danh sách này diễn ra từ 2 tháng trước khi mùa giải được kết thúc. Có nghĩa phong độ bùng nổ ở 9 vòng cuối mùa giải của Son không được xét đến.
Nhưng càng giải thích thì lại càng lộ ra sơ hở. Nhìn sang Ronaldo xem, tiền đạo của M.U cũng chỉ mắn bàn thắng trong 2 tháng cuối mùa giải. Nếu Son vắng mặt thì Ronaldo phải chăng cũng không xứng có tên trong danh sách đề cử 6 người.
Đến lượt công bố đội hình tiêu biểu, Son lại tiếp tục bị gạch tên. Một cầu thủ đoạt giày vàng và có thành tích ghi bàn bằng chân không thuận đáng kinh ngạc như Son lại bị các đồng nghiệp đánh giá thấp. Tờ Daily Mail đã tổng hợp các bình luận từ fan hâm mộ, và đa phần gọi việc Sonny không có mặt trong đội hình tiêu biểu là tội ác.
Berbatov, cựu ngôi sao của Spurs thẳng thắn nhận định:
Nếu những lá phiếu đều nặng tính chủ quan.
Nếu những giá trị cao thượng mà PFA đặt ra lại đến từ sự thiếu công tâm, thì liệu giải thưởng này có còn giá trị như ý nghĩa ban đầu.
Hay PFA đang muốn trở thành một trò hề!
Câu chuyện đến cuối cùng vẫn là quy về sự bất công của một người châu Á muốn xưng bá ở trời u. Đó là định kiến về sắc tộc. Thứ khiến Son Heung Min chỉ biết im lặng chịu đựng, thứ khiến cho tài năng thiên bẩm của anh cũng chỉ là sự cần cù chịu khó mà nên.
Những lá phiếu với đa phần là người bản địa Anh, nghĩ xem họ sẽ chọn ai? Sẽ bỏ phiếu cho một gã da trắng mà năm ngoái họ vẫn còn cười cợt vì Son đã ngã lăn quay ra sân sau cái vung tay nhẹ ơi là nhẹ của McTominay.
Xa hơn nữa, họ cũng từng vui vẻ hả hê trước hình ảnh Son ngồi khóc ngon lành trong trận chung kết Liên đoàn. Chàng trai yếu đuối ấy lại khóc vì một chiếc cúp nhỏ bé chẳng mấy ai thèm ngó ngàng.
Trong mắt người Anh, họ chẳng quan tâm Son Heung Min tài giỏi ra sao đâu. Họ xem Harry Kane là biểu tượng cho nền bóng đá xứ sương mù, ghi bao nhiêu bàn, đã gánh Tottenham ra sao.
Mặc kệ việc Son mới là người đặt bút ký vào bản hợp đồng gia hạn với Tottenham, là người mơ ước được chạm mốc 10 năm với gà trống. Là người hết lần này đến lần khác cứu rỗi đội bóng thành London.
Giờ mới hiểu câu nói của John Burridge, nó chua chát như thế nào.
Son Heung Min – Biểu tượng của sự cố gắng không ngừng nghỉ
Nếu Son Heung Min không phải là người châu Á. Nếu Son là người Brazil, người Argentina… Thì sẽ như thế nào nhỉ.
Nhưng cũng ở Anh Quốc, họ sẽ rất khó để đưa ra sự công nhận một ai khác nếu họ đến từ châu lục kém phát triển hơn.
Premier League cũng vậy. Một nơi nổi tiếng khắc nghiệt với các cầu thủ tới từ quốc gia hay chủng tộc khác.
Cuối tháng 2, Son Heung-min mới chỉ có 9 bàn thắng, trong khi Mo Salah đang dẫn đầu với 19 bàn. 3 tháng sau, không ai tin được Son có màn nước rút ngoạn mục khi bám đuổi ngôi sao của Liverpool, bất chấp các đối thủ lừng lẫy khác dần bỏ buộc.
Thành công của Son, có lẽ sẽ chỉ tồn tại trong trong niềm phấn khích của người Hàn Quốc, trong sự hân hoan của châu Á về một biểu tượng mới đầy hào quang rực rỡ. Thành công đó của Son là sự khẳng định của một nghị lực phi thường. Là thành tích vô tiền khoáng hậu của một cầu thủ Châu Á tại đấu trường cao nhất xứ sở sương mù.
Son mang đến một mùa giải thần kỳ, một phép thuật thần bí tưởng chỉ có trong những chiếc đũa phép Harry Potter mà người Anh vẫn tự hào.
Nhưng Son cũng chỉ là một cầu thủ châu Á.